Trở về sau chuyến thăm nhà ÔNG CHÚ KÌ LẠ… là bao cảm xúc không thể diễn tả bằng lời, cũng không thể đặt tên.
Qua lời kể của thầy, anh em chúng tôi có dịp hội ngộ cuối tuần rồi, cùng vào thăm nhà chú Phượng. Nằm ở Giáo xứ Cây Sung, Ấp 3, xã Mã Đà, Vĩnh Cửu, từ trung tâm huyện chạy vào cách chừng 40km, băng qua một con đường xuyên rừng Mã Đà, thêm một cơ số vòng vèo, nhà chú yên tĩnh trong vườn xoài già, tiếp giáp với lòng hồ Trị An.
Ấn tượng đầu tiên của tôi với chú là nụ cười hiền hậu, trong lành mà không mấy ai có được. Chú dẫn chúng tôi đến một gian nhà phía cuối rìa đất, nơi bọn trẻ đang tụ tập, trông như một lớp học. Lũ trẻ đứng dậy khoanh tay đồng thanh: “chúng con chào ông, chào các cô chú” mà không cần phải nhắc nhở. Gọi “trông như một lớp học” là vì nó giống lớp học thật, một nền betong, vài cây cọc cong quẹo đang vào nhau làm sườn cho mấy tấm tone móp méo ghép lại.
Những khung bàn cao quá khổ so với ghế và chiều cao của các em, được xếp ngay ngắn thành hai dãy thẳng thớm, phía trên là cái bảng đen. Phía sau, còn chỏng chơ mấy thân cây mà cô giáo bảo đó là nhà vệ sinh đã dang dở được mấy tháng vì không đủ kinh phí. Cô giáo năm nay tầm đã ngoài 60, bọn trẻ hay gọi là Bà giáo Năm hay bà cô Năm, một trong những người về ở đây thời kỳ đầu.
Lúc nhỏ bà đã sống lưu lạc, có người báo thấy cha mẹ bà ở bên Campuchia, bà khăn gói đi tìm rồi run rủi ở lại nơi đất khách một thời gian. Lúc ở bên kia, bà cũng có kinh nghiệm dạy tiếng việt cho cộng đồng việt kiều, nên về đây bà lại tiếp tục đứng lớp cho mấy đứa nhóc được biết cái mặt chữ.
Hầu hết trẻ em ở đây không được đến trường vì không có giấy tờ, đồng nghĩa các quyền về y tế, dinh dưỡng, chăm sóc sức khỏe, an sinh xã hội, vui chơi, giải trí,… thậm chí giới tính cũng không được thừa nhận. Thế mà chúng vẫn như cỏ, xuất hiện bi bô, rồi ê a lớn lên với khao khát được đi học. Bà cô Năm kể tụi nó thích học lắm, thậm chí người lớn ở trong xóm cũng vậy, tối đến lại giong đèn đến lớp, chuyện muỗi cắn là câu chuyện xưa như trái đất không cần bận tâm.

Chú Phượng nhấp chén chè xanh giọng khẳng khái: “Đó cũng là cái mà tôi còn áy náy các cô các chú à. Phải cho tụi nó được cái con chữ, ba mẹ chúng ít nhất cũng phải viết và ký được cái tên của mình. Riêng cái mảng tiếng Anh, tiếng em, tôi cũng đã tìm được nguồn tài trợ, không nhiều đâu, một tháng cũng dăm ba triệu, dù biết nó không đáng bao nhiêu, nhưng xem như là chuyện phải không với người ta, đường chạy vào đây cũng xa xôi cách trở các cô chú thấy đó”
Như trải được lòng với niềm hy vọng trong ánh mắt ấy, chú tiếp lời “Bây giờ mà ai cho vay một số tiền lớn, tôi cũng chịu đứng ra bảo lãnh cho bà con cô chú à. Với mấy cái hồ ba ba, thuyền xuồng, lưới một số hộ lúc mới về đã có thể tự lực không còn phải vay mượn nữa. Với số tiền ấy, tôi mua cho mỗi hộ một con bò, rồi phối giống nhân lên để họ có cái vốn làm ăn, bọn trẻ thì phụ đi cắt cỏ, chứ đi lưới lòng hồ có hôm thì vài ba trăm, có hôm không được gì cũng còn bấp bênh lắm cô chú à. Người ta phải tốt, phải đỡ cực, có cái sinh nhai lâu bền thì mình mới khỏe được”
“Rồi đấy, cái trường học cho người lớn mới xây cũng chưa hoàn thiện” Chú chỉ tay về phía căn nhà đối diện, có thể nói là khang trang nhất khu, được làm bằng khung cửa sắt, vách tole. Nó cũng là vấn đề đấy cô chú, dạy bọn trẻ thì dễ chứ dạy người lớn nó không đơn giản chút nào đâu, mà ở đây thì lại không có người”.
Tính đến thời điểm này, chú đang cưu mang cho 42 hộ, 164 nhân khẩu. Những căn nhà xiên vẹo với mái phên tole tạm bợ có khi chứa đến 4, 5 gia đình cùng sinh hoạt. Ban ngày, hầu như chỉ có bọn trẻ và người lớn tuổi ở nhà, những người lao động đi đánh bắt cá hoặc đi làm xa, cả năm mới về. Với điều kiện y tế và tiếp xúc xã hội lúc ở Campuchia, thì khó mà nói được việc sinh nở có kế hoạch, nên tôi hiểu được phần nào về tầm quan trọng của việc giáo dục với chú Phượng, cái áy náy của một người tử tế.
Tạm biệt ông chú Kì Lạ sau bữa cơm trưa, chúng tôi ra về với nhiều món quà tâm trạng khác nhau. Có những chuyện đi rồi sẽ thấy, làm rồi sẽ tỏ, và có những chuyện đâu cần lý do…
Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Thuy Bui, Đông Phong Võ, Đinh Công Nhã
Ngày đăng: 27/7/2020