Châu Âu Đã Sáng Tạo Thế Nào Trong Sản Xuất & Kinh Doanh Nông Sản

Sau phần thuyết trình của mình chiều qua, hôm nay, tôi dành thời gian tiếp xúc trực tiếp với các lãnh đạo của các doanh nghiệp, tập đoàn châu Âu tại triển lãm.

Mục tiêu đã rõ: làm bạn và hỗ trợ họ kết nối với bạn bè doanh nhân Việt Nam.

Nhưng, bài đầu tiên về sự kiện này, tôi dành cho các doanh nhân bạn bè, các học trò tôi đang hỗ trợ startup một góc nhìn khác. Đó là loạt câu chuyện về các doanh nghiệp châu Âu đã và đang làm gì.

Câu chuyện về những chiếc gối văn hóa

Với ý tưởng đưa những con tem thời Tonkin – Indochina (Pháp thuộc) có hình sắc phục Việt Nam lên mặt gối, túi xách, ví, khăn bàn… một nhà thiết kế người Pháp đã mang sản phẩm văn hóa của người Việt bán cho người Việt tại Việt Nam và Pháp. Mỗi chiếc gối trị giá từ 500K đến hàng triệu. Đáng suy nghĩ.

“Bỏng ngô” hữu cơ Bulgaria

Với những loại bánh giống như bỏng ngô, và bánh từ bột gạo, một thương gia Bulgaria đặt mục tiêu các sản phẩm này sẽ xuất hiện trong các siêu thị và chuỗi cửa hàng tiện ích, tạp hóa của người Việt. Tôi hỏi bạn ấy có quen biết Daniel – Tham tán kinh tế Bulgaria tại Việt Nam? Bạn ấy trả lời: Biết, nhưng tự làm bởi không khó, vì hàng bạn ấy bán rất tốt ở nhiều quốc gia.
Tôi chợt nhớ đến bỏng ngô, bỏng gạo, bỏng sắn Việt Nam ở vỉa hè và chợ quê… Hình như chúng ta không quá trân trọng chúng.

Trang sức phong cách Harmony

Những món đồ trang sức sáng tạo, được liên kết bằng văn hóa: đá quý Myanmar, sứ Thượng Hải, dây da Mexico, dây thép mạ vàng Italia…tạo nên những sản phẩm có chứa câu chuyện thiết kế mang dấu ấn riêng, giá trị hàng trăm USD, bán ở nhiều quốc gia. Tại Việt Nam, trang trọng bày bán ở Tràng Tiền Plaza, Showroom Hàng Gai… Tôi thầm nghĩ, cô con gái 12 tuổi của tôi cũng có thể làm được những thứ thế này.

Xà phòng và tinh dầu hữu cơ

Ấn tượng với bao bì và thiết kế. Giá cao. Tôi nghĩ đến hơn 400ha trồng quế ở Yên Bái, hàng trăm ha sả ở Hòa Bình…đang bán theo can và xuất thô Trung Quốc với giá vài trăm ngàn đồng/lit.

Bản đồ Champaign Pháp và câu chuyện cạnh tranh

Một chủ doanh nghiệp Pháp say sưa giới thiệu với tôi tấm bản đồ của các vùng sản xuất rượu của Pháp. Bạn ấy nói rằng, doanh nghiệp bạn ấy chưa lớn (tôi thấy 2 tỉnh vùng nguyên liệu) nhưng bạn ấy tin rằng sẽ có thế mạnh cạnh tranh về giá. Vì người Việt Nam thích đồ ngoại, làm quà biếu??? Họ hiểu sâu sắc điều đó!
Bạn ấy nói vanh vách về thị trường Việt Nam, và chia sẻ những loại rượu 60%, 70% nho.
Ninh Thuận của ta là vựa nho lớn nhất nước, và đang lẫn lộn với nho Trung Quốc giá rẻ trên những xe hàng rong khắp nơi…

Ca cao – Chocolate ngoại – Made in Việt Nam, giá 120K/hộp 40gr.

Loại sản phẩm này được giới thiệu là được ưa chuộng tại châu Âu, bởi nó được trồng ở Đông Dương, chất lượng cao hơn ở nơi khác. Nay, bán thêm tại Việt Nam.

Tôi hỏi đùa, sao không trồng ở Châu Âu. Bạn ấy cẩn thận giải thích rằng, trồng ở Việt Nam mới được khí hậu, chất lượng tốt và nhân công rẻ. Tôi đoán rằng, có lẽ nhiều nông dân Việt Nam còn đang hi vọng trồng ca cao để xuất khẩu thô… Trong khi đó, làm chocolate đâu quá khó?

Đồ uống Đức nhưng quảng cáo bằng tiếng Việt.

Dòng chữ “Thức uống ngon điên đảo” bằng tiếng Việt và hình một anh Tây tè bậy tạo nhiều ấn tượng với người Việt tham dự hội chợ.
Bản địa hóa quảng cáo – họ làm thật tốt!
(Có thể trùng hợp, chứ nếu họ thiết kế backdrop này trên cơ sở văn hóa “tưới cây hè phố” của chúng ta thì tôi thêm phục họ sát đất)

Bánh Pháp sáng tạo

Các hình dạng và hương vị khác nhau. Chắc chắn không thể nhiều như các loại bánh ở ta. Nhưng giá cao và hấp dẫn. Cũng một góc khác, sản phẩm mỳ, nui Italia được thiết kế hình trái tim, trụ vuông…nhìn đã thấy muốn ăn. Tôi ngầm so sánh với Mì Chũ, Miến Cao Bằng…

Và còn nữa…

Họ hiểu thị trường; thiết kế đẳng cấp và sáng tạo; khai thác tài nguyên, văn hóa bản địa để bán cho người bản địa; trân trọng sản phẩm; chủ động xây dựng câu chuyện bán hàng; mở rộng liên kết. Họ hơn ta!

Chúng ta có hàng nghìn, hàng vạn thực phẩm chế biến như dưa, cà, bánh nếp, bánh tẻ, bỏng đường… Nhưng nhiều sản phẩm không đi ra nổi khỏi địa phương. Tại sao vậy?

Chúng ta hy vọng xuất khẩu nông sản. Nhưng chỉ trông chờ bao tiêu hàng thô, hàng tươi sống, và sản xuất vội vàng với hóa chất, thuốc trừ sâu, thuốc kích thích… Lâu lâu lại “giải cứu”.

Chúng ta có thể thay đổi không? Có thể cạnh tranh không? Và, khi biết, có làm không?

Bằng sức bé nhỏ của mình, tôi sẽ thử hỗ trợ vài vùng đặc sản, kèm vài học trò chủ trang trại làm ra sản phẩm giá trị gia tăng, hỗ trợ một số kết nối nguồn hàng…Nhưng điều tôi mong muốn lại lớn hơn như thế.

Hy vọng sản phẩm Mama care Thiên Minh, Trà hoa Kiku Bara, Nhút Thanh Chương, Trà DreamFarm, Ngọc Trà, gạo Toàn Thắng, các sản phẩm từ đậu của Kokoro, nước hoa hồng Rose water…sẽ kịp bước tiến của châu Âu với những lợi thế về nông nghiệp hữu cơ…

Và biết đâu, thương hiệu sản phẩm organic handmade của con gái Minh Hoàng since 2016 sẽ có chỗ đứng trên thị trường quốc tế?

Lại tự tin để đi tiếp, với sự đồng hành của những người yêu nước Việt.

Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 30/04/2020

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0,0