- TỔ NGHỀ DÂN GIAN.
Người làm giỏi một nghề, được ghi nhận gọi là Nghệ Nhân (Người giỏi nghề).
Người làm giỏi một nghề, truyền cho con cháu, giúp con cháu sống bằng nghề gọi là Nghề Gia Truyền.
Còn Tổ nghề là người dạy dân một vùng, giúp họ sống ấm no. Nhiều người sau khi mất đi, được dân thờ làm Thành Hoàng, Tổ Nghề, đời đời hương khói.
Còn có những người giúp dân học nghề, làm nghề rồi thành Nghệ Nhân, Nghề Gia Truyền và thậm chí là Tổ nghề. Trong lịch sử Việt, có những người yêu dân như thế… - NGHỆ NHÂN.
Nghệ nhân dân gian xưa nay đều được xã hội tôn trọng. Họ không quan, không chức nhưng có tay nghề khéo và tâm huyết với nghề.
Họ làm nghề tỉ mỉ và tử tế, lâu dần sản phẩm của họ được ghi nhận.
Nhiều người giỏi nghề Y, được vua chúa tìm đến để mời làm Thái Y.
Có nhiều người thợ khéo được Vua mời sản xuất hàng mỹ nghệ cho Hoàng Gia, được sắc phong, phẩm trật.
Họ là niềm tự hào của gia đình, dòng họ…
Nhưng nếu họ không truyền lại được nghề, tên tuổi họ cũng sẽ biến mất vào lịch sử. - TỔ NGHỀ Ở VIỆT NAM.
Tôi trước công tác ở Viện Văn hóa dân gian – Viện Hàn Lâm KHXH Quốc Gia nên có điều kiện tìm hiểu về lịch sử nghề nghiệp ở Việt Nam.
Tổ nghề ở Việt Nam nhiều lắm.
Mỗi làng nghề, đều có tổ nghề, tức là người dạy dân vùng đó có sinh kế nuôi dưỡng bản thân và gia đình.
Họ, trước tiên là người tử tế, tận tâm với nghề của mình. Sau đó lại rộng lòng dạy nghề cho người trong làng xóm, khiến một vùng no ấm.
Họ giống nhau ở hai điểm, thành công bởi sự tử tế và chia sẻ.
Nhiều người trong số họ quý hơn Vua, bởi người dân đời đời nhớ ơn. Còn ông Vua nào không vì dân, khi thất thế, sẽ bị người dân đàm tiếu, coi thường, khinh bỉ. - TỔNG ĐỐC HOÀNG TRỌNG PHU – NGƯỜI TẠO RA NHỮNG TỔ NGHỀ.
Tôi sinh ra ở thị xã Hà Đông, trước đó là Tỉnh Hà Đông.
Tôi có nghe truyền thuyết về Tổng đốc Hoàng Trọng Phu, đại ý là thân Pháp và tàn ác.
Thế nhưng, khi khảo cứu Folklore, tôi mới biết công lao của ông.
- Hỗ trợ, xây dựng hơn 200 làng nghề tại Tỉnh Hà Đông trong 30 năm. Tạo điều kiện cử hàng vạn người đi “du học” ở Pháp, Trung Quốc để sau đó trở về giúp dân no ấm.
- Ông chọn nông dân Tây Tựu, Ngọc Hà, Mỗ… đưa vào Lâm Đồng. Đà Lạt có nghề hoa, nghề rau từ đó với ban đầu là một ấp Hà Đông.
Do ông làm quan dưới thời Pháp đô hộ, lại chú trọng việc dân, không chống Pháp nên tiểu sử về ông khá mờ nhạt.
Thậm chí, người dân hơn 200 làng nghề và Đà Lạt còn không biết công lao to lớn của ông.
Ông không là Tổ nghề, nhưng là người tạo ra các tổ nghề có cơ hội dạy dân làm sinh kế.
Tôi là người đời sau, luôn khâm phục tấm gương của ông: Vì miếng cơm, manh áo của dân!
- TỔ NGHỀ THẾ KỈ 21.
Tại sao không nhỉ?
Phú Lý, Mã Đà – Vĩnh Cửu là vựa xoài. Ai đó làm tốt việc chế biến mứt xoài lên men, rượu xoài rồi dạy dân toàn vùng, thúc đẩy kinh tế thì có thể là Tổ nghề lắm chứ.
Kiên Giang nhiều cá. Chế biến sản phẩm cá cao cấp mà không dùng điện, máy móc giúp ngư dân giàu có cũng đáng là Tổ Nghề vậy.
Trồng Dứa, sấy mứt và hướng dẫn dân làm nông nghiệp Lười ở Nghệ An chẳng lẽ khó lắm sao.
Chỉ cần Tử Tế, Tận Tâm, Bao Dung, Chia Sẻ thì việc mình làm tốt sẽ giúp cả vùng làm tốt.
Tôi dám mơ, Liên Minh chúng ta sẽ xuất hiện những Tổ nghề như vậy trong những năm tới.
Các cụ làm được, ta chẳng lẽ kém các cụ, phỏng?
Buồn tay, buồn chân định chia sẻ vài cách thực hành mới nhưng dân tình kêu la bận rộn.
Nên trong lúc chờ đợi mà viết bài này…
Mõ làng Hoàng Công.
Ảnh: Tác phẩm của gia đình nghệ nhân Phúc Tín – Hàng Bạc chế tác tặng tôi năm 2013.