Câu nói nổi tiếng
Tôi nhớ không nhầm thì đây là câu nói của một cô gái đẹp, nổi tiếng với những bộ nội y.
Cô ấy nói rằng: “Không có tiền thì cạp đất mà ăn”, giống như một tuyên ngôn về cuộc sống.
Thú vị là câu nói đó được lưu truyền, chia sẻ mấy năm nay. Đặc biệt là trong mùa cúm Vũ Hán, câu nói đó còn được chuyển lên bìa sách (?) và được dân mạng chia sẻ rộng rãi.
Nỗi lo sợ thiếu tiền khiến đất trở nên có giá trị hơn chăng?
Nhưng đất sạch, không hóa chất, thuốc diệt cỏ giờ cũng hiếm lắm.
Tôi chợt nảy ra ý nghĩ, hay là xui Liên Minh mang đất sạch ra cạp, thấy ngon thì mang bán để đổi lấy mì tôm?
Thế là đầu ngày, viết bài này để bà con đọc lấy thêm ít thông tin với mục đích vui vẻ.
Ăn đất – không có gì là mới lạ.
Thậm chí đó còn là một phong tục cổ, tương truyền có từ thời thượng cổ trên đất Việt. Tới nay, dấu vết của tục ăn đất vẫn còn ở Lập Thạch, Vĩnh Phúc, thậm chí còn là một loại bánh. Tên bánh là bánh Ngói.
Nhà văn Tô Hoài trong tác phẩm Chuyện Nỏ Thần đã mô tả rất súc tích cách làm bánh Ngói. Đó là đoạn cô bé Tàm chạy vào trong rừng trốn quân Tần, sống chung với đàn vượn, đã làm bánh Ngói.
Tóm tắt như sau:
“Giữa rừng, Tàm đói. Không có đồ ăn. Tàm nhớ lúc mẹ còn sống đã làm bánh Ngói. Bánh Ngói làm từ đất ăn được, dễ làm. Tàm mài que hóp, đào nửa ngày được một hố sâu ngang bụng.
Đất xám tro, màu nâu non, có vân nâu non đỏ như son. Đất mịn, mềm, nhưng còn hơi ủng mùi lá chết. Tàm lấy từng thỏi đất phơi lên mặt đá cho se. Nhấm bùi bùi. Tàm xếp cỏ tế, cỏ sim xuống đáy hố, xếp thỏi đất lên trên rồi đốt lửa. Bánh thơm, bùi, ăn nhẩn nha cùng với đàn vượn”
Văn của tôi không thơm như văn cụ Tô Hoài, nhưng tóm tắt vậy để các bạn biết quy trình làm bánh đất. Dự phòng khi chúng ta cần cạp đất mà ăn thì còn có tư liệu.
Nghe đồn ăn bánh Ngói sống rất thọ, tôi google thấy mấy nhà báo bảo vậy.
Những tri thức sắp bị lãng quên
Trong cuốn sách Chuyện Nỏ Thần, Tô Hoài khéo léo và dày công tái hiện lại rất nhiều phong tục, tri thức cổ.
Ví như cách nấu nước chè xanh bằng ấm đất, cách thuần hóa voi rừng, kỹ năng sinh tồn trong rừng, các câu ca cổ, tục thượng võ…
Không những vậy, Tô Hoài còn tái hiện những sự tàn ác của kẻ thù phương Bắc trong đoạn quân Tần giết chóc. Hay ca ngợi sự quả cảm, mưu trí của người Việt khi đối diện với kẻ thù trong đoạn Cao Lỗ giết tướng Tần là Đồ Thư giữa doanh trại.
Lâu nay, chúng ta coi tri thức cổ là lạc hậu, coi kẻ thù là đồng chí cho tới khi cúm Vũ Hán tung hoành rừng núi của Mẹ Tiên, chiếm cứ biển đảo của Cha Rồng.
Thế nên, mấy ngày tới mà rảnh rỗi, các bạn đọc cùng con cuốn Chuyện Nỏ Thần mà tôi chia sẻ link dưới đây, hẳn sẽ có nhiều điều thú vị.
Nhất là các học trò ruột học tôi những môn ngoài nông nghiệp, thì càng nên đọc cuốn sách này.
Đọc sách, cạp đất, ngắm ảnh tác giả.
Bài viết này tôi có đề cập đến ba tác giả.
Đó là cô gái mặc nội y, cụ Tô Hoài, và tôi.
Các bạn có thể đọc sách, cạp đất theo lối cổ truyền và tìm ảnh một trong ba người trên để ngắm. Khi đó, cạp đất hẳn sẽ thú vị hơn.
Tôi dám chắc một điều, ảnh tôi không phải là lựa chọn số một, trừ khi tôi đăng ảnh nội y.
Vậy thôi, ngày mới đến rồi.
Hễ thấy ai mà rủ nhau cạp đất trên mạng xã hội, bạn hãy gửi đất sạch ở vườn nhà bạn cho họ nhé. Khi bệnh dịch, có tiền cũng chẳng mang ra ăn được.
Và đất sạch trên dải đất Việt này giờ có muốn mua cũng khó, muốn ăn cũng hiếm…
Ps. Trong bài viết tôi có ẩn ý về một phương thức chế biến thực phẩm. Các bạn tư duy để vận dụng nhé. Đừng quá phụ thuộc vào dây chuyền hiện đại.
Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 31/07/2020