Xã Trồng Thuốc Sâu

Câu chuyện Song Giang

Có lẽ đây là khái niệm khá kì lạ với xã hội. Nhưng với thành viên Liên Minh thì đại đa số sẽ đoán được thuật ngữ trên.
Đó là sự thống nhất chương trình hành động cùa Phòng Nông nghiệp, Hội LHPN Gia Bình, Đảng ủy, Ủy Ban, các đoàn thể và người dân xã Song Giang về ý tưởng kì lạ này.
Chương trình sẽ được thực hiện trong 3 tháng tới, với nội dung là toàn bộ nông dân trồng thuốc sâu thực vật tại nhà, đường làng, ngõ xóm, ven bờ ruộng và hàng rào trang trại.
Tôi nghĩ rằng, đây có lẽ là mô hình quy mô lớn đầu tiên trên thế giới về mô hình này.

LỊCH SỬ NGHỀ TRỒNG Lịch sử nghề trồng thuốc sâu

Xã Song Giang là một xã thuần nông thuộc huyện Gia Bình, tỉnh Bắc Ninh.
Nhờ có sự hỗ trợ tích cực từ Hội phụ nữ huyện, các phụ nữ Song Giang đã được tập huấn cách xử lý rác hữu cơ để làm phân bón theo phong cách Nông nghiệp Lười.
Từ tháng 7.2020, các cán bộ phụ nữ đi gõ cửa từng nhà để hướng dẫn mọi người cách làm vi sinh rẻ tiền từ thực phẩm để xử lý rác.
Một trong những lý do của công việc này là doanh nghiệp xử lý bãi rác trung tâm của xã đã tạm ngừng hoạt động bởi vấn đề kinh phí từ tháng 5.
Chỉ trong 2 tháng, rác đã trở thành vấn nạn đối với cộng đồng, ảnh hưởng trực tiếp đến đời sống của người dân.
Mặt khác dù không được truyền thông chính thức, nhưng người dân cũng nhận thức được tình trạng ung thư gia tăng do vấn đề lạm dụng thuốc trừ sâu hóa học.
Do đó, trước vấn nạn rác thải và ung thư từ thuốc sâu, người dân Song Giang đã tự tìm cách cứu lấy mình.
Đó chính là việc LÀM PHÂN BÓN TỪ RÁC HỮU CƠ ĐỂ TRỒNG THUỐC SÂU THỰC VẬT.

Cách làm đơn giản

Thay vì nói là Phân Loại Rác, nhân dân Song Giang đã được truyền thông rằng:

  • Hãy tự sản xuất phân bón từ rác hữu cơ.
  • Dùng phân bón đó trồng cây có tác dụng trừ sâu ven đường làng, ngõ xóm, bờ ruộng, quanh vườn.
    Bước 1: người dân làm ra vi sinh từ thực phẩm rồi nhân nuôi vĩnh viễn từ thân cây chuối – loại cây trồng nhiều nhất ở đây.
    Bước 2: phun vi sinh vào rác hữu cơ để khử mùi tại nhà, sau đó mang ra bờ ruộng, đường làng để đổ, phủ rơm và lá cây lên rác.
    Bước 3: trong túi phân hữu cơ, người dân vùi hạt giống bí, ớt, đậu xanh đã được bọc trong giấy vệ sinh nhúng nước. Các hạt giống này sẽ nảy mầm sau đó.
    Bước 4: trồng bổ sung thành tổ hợp các loại cây có tác dụng trừ sâu bao gồm:
  • Mùng tơi: bám dính.
  • Ớt: Cay, nóng.
  • Cây mật gấu: đắng, dễ nhân giống.
  • Giềng: cay nóng, tạo cảnh quan.
  • Sả: dễ trồng, có tinh dầu.
  • Xuyến chi: sinh khối lớn.
    Các loại cây này được trồng thành cụm, gần sát với khu trồng trọt.
    Bước 5: đặt các thùng nuôi vi sinh giấm.
    Giấm được nuôi bằng quả chuối chín.
    Trong mỗi thùng có các tấm lưới để làm túi lọc, chứa các thảo dược giống như trà túi lọc.
    Vi sinh phân giải các chất cay đắng để trừ sâu, đồng thời có tính acid để làm hỏng trứng sâu bám trên lá.
    Bước 6: Thả các chai vi sinh đục lỗ để làm sạch nước mương. Lấy nước mương để nuôi vi sinh trong thùng thuốc sâu.

Nếu tích cực và đúng quy trình, Giang Sơn sẽ là “công trường” sản xuất thuốc sâu thảo dược ngoài trời đầu tiên và lớn nhất Việt Nam.

Từ ý tưởng đến thực tiễn

Ban đầu, những mô hình mẫu sẽ được thực hiện và khảo nghiệm, chứng thực để thuyết phục người dân.
Dự kiến ngày 25.08.2020 sẽ có cuộc ra quân của Hội phụ nữ cho việc này, đánh dấu một bước ngoặt lớn cho nền nông nghiệp nơi đây.
Sau đó, cách làm sẽ được nhân rộng bởi dễ làm và rẻ tiền, mang lại lợi ích thiết thực.
Nếu các địa phương khác không làm, Giang Sơn có thể sẽ có thêm nghề LÀM THUỐC SÂU THẢO DƯỢC để cung cấp, bởi có nguồn nguyên liệu đủ lớn trong dân, khai thác triệt để các vùng đất ven.
Đặc biệt, với cách làm này, vấn đề rác thải sẽ không còn là vấn nạn.
Đồng thời, những đám tang với nguyên nhân ung thư sẽ giảm…

Vài dòng cảm xúc

Tôi viết bài này để gửi tới một người chị gái, một đồng chí, đồng đội hiện công tác tại Hội phụ nữ huyện Gia Bình.
Tôi tin là việc sẽ thành, bởi có Chị ở đây với sự đồng lòng nhất trí của toàn dân.
Tôi cũng mong toàn thể Liên Minh sẽ nắm được cách làm này để làm ra các mô hình mẫu ở địa phương mình, trước hết là trong vườn nhà mình.
Nếu được thế, có lẽ nông nghiệp sạch Việt Nam không phải là điều quá xa vời.
Tôi nhớ người đã truyền cho tôi cảm hứng và động lực để tiếp tục hành trình, bắt đầu từ một mảnh vườn, một cánh đồng lúa ở miền Trung. Từ nơi đó, tôi thêm tự tin để lan tỏa.

Ảnh: Những chiếc nón nghèo, cũ của người dân Song Giang tới hội trường trong một ngày mưa bão. Biết đâu, họ sẽ là những TỔ NGHỀ.

Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 08/08/2020

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0,0