Văn hóa Phân
Bạn đã bao giờ đặt câu hỏi tại sao trong nông nghiệp chúng ta dùng từ Phân trong cụm từ phân bón không?
Rõ ràng chỉ người Việt ta dùng như vậy, còn Tây thì không.
Họ phân biệt rất rõ từ Shit (phân thải) và Fetilizer (dinh dưỡng cây trồng).
Điều đó chứng tỏ rằng, hàng nghìn năm nay, các cụ ta đã coi hai khái niệm là một, nghĩa là dinh dưỡng cây trồng chủ đạo là chất thải từ động vật.
Do đó mới có các khái niệm:
- Phân Bắc – phân người.
- Phân chuồng – phân vật nuôi.
- Phân xanh – hỗn hợp ủ thực vật, nát và hôi thối giống như phân.
Cách đây nửa thế kỉ, nghề hót phân vẫn thịnh hành. Có những người vẫn đi thu gom phân người từ các nhà xí công cộng.
Trước đó, Hà Nội có cả chợ phân, được mô tả trong nhiều tác phẩm bút kí.
Và làng Cổ Nhuế xưa vẫn còn được nhắc đến trong câu ca dao tinh nghịch thời bao cấp xã hội chủ nghĩa mang chất khẩu hiệu:
“Thanh niên Cổ Nhuế xin thề
Chưa đầy hai sọt, chưa về quê hương”
Sọt ở đây chính là sọt phân đó các bạn ạ.
Và đó là thời kì quá vãng của một nền nông nghiệp hữu cơ đã từng nuôi sống cả một dân tộc.
Khi Phân…mai một
Dân gian những năm 80 của thế kỉ trước vẫn lưu truyền một câu thơ thể loại Bút Tre về Đại tướng Nguyễn Chí Thanh:
Hoan hô anh Nguyễn Chí Thanh
Anh về Phân Bắc, Phân Xanh đầy đồng…
Sau đó, chúng ta tiến lên một kỉ nguyên mới. Đó là thời kì các nhà máy phân bón hóa chất phát triển rực rỡ như Phân Lâm Thao, Phân Văn Điển… Đồng thời thuốc trừ sâu hóa học cũng bùng nổ.
Người nông dân được truyền thông rằng phân hóa học tốt, nhanh, tiện lợi, NĂNG SUẤT.
Điều đó đúng.
Và cứ thế, phân hữu cơ dần mai một.
Không còn ai đi thu gom phân người, phân trâu bò nữa.
Nhà báo Dương Đình Tường, báo Nông Nghiệp đã có một bài viết rất hay về vấn đề này.
Nhưng sau đó, phân hữu cơ lại quay lại.
Nhiều nhà nông đã lại thu gom phân lợn, phân gà về ủ với vi sinh, với vôi… để hoai mục.
Và cái từ Hoai Mục đó chưa bao giờ được giảng nghĩa đầy đủ.
Cho tới khi những bí mật được chia sẻ, hóa ra các vi sinh vật chính là tác nhân. Và chúng có thể được nông dân tự nhân nuôi một cách rất rẻ tiền, nhanh chóng mà không cần sự hỗ trợ của bất cứ máy móc hay phòng thí nghiệm nào cả.
Nó không phải là một công nghệ cao siêu, thần thánh.
Nó chỉ là việc mô phỏng lại hệ tiêu hóa của động vật với những lợi khuẩn đường ruột – probiotic.
Nghĩa là tìm cách nhân nuôi nhiều lợi khuẩn đó, phun trộn vào phân, chất hữu cơ để phân giải các chất hữu cơ, xử lý hại khuẩn, giải quyết mùi hôi thối.
Có vậy thôi.
Nhưng một bí mật bị che dấu thì hàng triệu nông dân sẽ phụ thuộc.
Để rồi phải NHẬP KHẨU PHÂN GÀ NHẬT về bón cây…
Cỗ lòng
Từ 1 và 2, các bạn hẳn đã nhận ra ý nghĩa minh họa của bức hình mẹt lòng lợn đính kèm bài viết.
Vâng, đó là cỗ lòng. Còn gọi là hệ tiêu hóa của động vật.
Mỗi ngày, khi động vật đưa thức ăn vào cơ thể sẽ thải ra phân.
Quá trình đó bao gồm:
- Nhai, nghiền vụn.
- Trộn enzym tiêu hóa trong tuyến nước bọt (amylaze)
- Sưởi ấm với thân nhiệt khoảng 40 độ.
- Co bóp, nhào trộn, nghiền nát.
- Làm mềm thức ăn với acid dạ dày.
- Phân giải chất hữu cơ với vi khuẩn đường ruột.
- Tạo dịch dinh dưỡng nuôi cơ thể (*)
- Ép bã, tách nước trong ruột già và thải bã ra ngoài qua đường tiểu và hậu môn (**).
Bộ quy trình gồm 8 bước cơ bản đó có những ứng dụng mô phỏng vô cùng hay ho, bổ ích.
Đó là những ứng dụng: - Sản xuất enzym, ứng dụng trong phân giải chất hữu cơ.
- Tạo môi trường ủ, phân giải hữu cơ với lợi khuẩn và acid hữu cơ để làm dinh dưỡng cây trồng, vật nuôi.
- Tạo “siêu dinh dưỡng” với dịch lên men (*).
- Làm mỹ phẩm hữu cơ (*)
- Sản xuất phân bón hữu cơ số lượng lớn (**)
Cách tư duy này có tên hẳn hoi, đó là PHỎNG SINH HỌC.
Tư duy và so sánh
Bạn có thấy:
- Xay, chẻ nhỏ, cắt vụn… giống chức năng của răng?
- Trộn IMO, MeVi giống việc trộn nước bọt?
- Ủ trong thùng có acid hữu cơ và lợi khuẩn IMO giống như hoạt động của dạ dày? Cái thùng chứa vi sinh giống cái dạ dày phụ.
- Phơi nắng giống như cấp nhiệt cơ thể?
- Động vật tạo phân trong 24 giờ, và chúng ta cũng có thể tạo ra thức ăn và dinh dưỡng cây trồng cũng trong khoảng thời gian đó?
- Cơ thể tách được dịch dinh dưỡng vào ruột non ở dạng dịch lên men, vậy hoàn toàn có thể tạo ra những siêu dinh dưỡng mô phỏng như vậy ở bên ngoài.
À!
Hóa ra dinh dưỡng, mỹ phẩm và phân hữu cơ có thể làm ra Nhanh, Dễ, Tiện, Rẻ, Hiệu Quả, Đơn Giản… như vậy đó.
Tấm lòng
“Sống trên đời sống, cần có một cỗ lòng. Để làm gì em biết không?” – nhạc chế.
Phần trên là Cỗ Lòng.
Phần này là Tấm Lòng.
Cùng là Lòng nhưng khác nhau.
Đó là tình cảm tử tế, lương thiện mà con người có thể dành cho nhau, nhất là khi chia sẻ điều tốt đẹp, san sẻ giải quyết khó khăn.
Tôi ước ao sẽ có những tấm lòng nhiệt thành, mang câu chuyện Cỗ Lòng Phân đi kể với mọi nông dân.
Ps: Biết đâu, câu chuyện này sẽ có tên là “Cổ Tích Cứt thế kỉ 21” nhỉ? (tôi dùng từ “Cứt” theo nghĩa văn hóa, gọi là từ tục trong nghĩa thông tục, dễ nhớ – Folklore).
- Cụm từ “Dạ Dày Phụ” sẽ là từ khóa dễ nhớ để người chăn nuôi, trồng trọt hiểu hơn về những chiếc thùng ủ…
- Bài chia sẻ tạo hiệu ứng ghi nhớ tốt nhất vào giờ ăn sáng, ăn trưa và ăn tối với hình ảnh sinh động hơn.
Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 25/08/2020