Nông Nghiệp Công Nghệ…Thấp (Lowtech Agriculture)

Thuật ngữ

Đó là thuật ngữ được đưa ra trong Hội thảo của Sở KHDT Hà Nội kết hợp với AVR ngày 16.07.2020.
Nó không trái ngược với Nông Nghiệp Công Nghệ Cao, mà là chỉ là một sự lựa chọn của nông dân theo hướng các cụ dạy: Ngon, Bổ, Rẻ.
Người nông dân nghèo không có tiền để đầu tư trang thiết bị công nghệ, hạ tầng đắt đỏ có thể vẫn tự tin sản xuất sạch, an toàn với các sinh vật có lợi như lợi khuẩn, nấm men, giun đất, cải tạo đất với rễ cây và che phủ bằng xác thực vật.
Đó là một thuật ngữ thú vị, hướng người nông dân chủ động khai thác tài nguyên quanh mình một cách tối ưu để giảm chi phí tối đa mà vẫn đảm bảo được năng suất.
Mặt khác, việc lên men nông sản kết hợp với sấy năng lượng mặt trời cũng tạo ra những sản phẩm cao cấp mà không phụ thuộc vào những dây chuyền hiện đại. Người nông dân một lần nữa khai thác tối đa nông sản mà không tạo ra sự lãng phí như hư hỏng, thối nát do vi sinh vật tạo ra.

Kế thừa tổ tiên

Lâu nay, người nông dân không nhắc đến phân xanh.
Đó là một cách làm cổ truyền, ủ xác thực vật trong hố chừng nửa năm, hòa loãng và tưới cho cây trồng. Tương tự là các thực phẩm thừa trong gia đình. Thậm chí, người Việt xưa còn tích lũy nước tiểu có chứa Ni tơ để tạo nguồn đạm bổ sung.
Quá trình ủ phân xanh được diễn ra do các vi sinh vật yếm khí phân giải các chất hữu cơ để tạo ra chất vô cơ có thể hấp thụ cho cây trồng dễ dàng.
Ưu điểm của phương pháp này là tận dụng tối đa tài nguyên bản địa, tiết kiệm chi phí.
Nhưng nhược điểm là mất thời gian rất dài, mùi hôi thối và có thể tạo ra những vi sinh vật bất lợi với sức khỏe do quá trình ủ yếm khí.
Thực tế, các cụ xưa không có kính hiển vi, không có điều kiện nghiên cứu vi sinh vật, phân lập hay nhân bản mà chỉ làm theo kinh nghiệm.
Do những bất tiện đó, mọi người cần những giải pháp NHANH, TIỆN, DỄ, KHÔNG MÙI thay thế cho RẺ, LÂU, MẤT CÔNG, HÔI THỐI. Đó là thời kì của nông nghiệp hóa chất tổng hợp từ thập kỷ 50 của thế kỷ trước tới nay.
Những năm 20 của thế kỉ 21, xuất hiện một trào lưu mới tại Việt Nam, đó là kế thừa tư duy tận dụng tài nguyên, tri thức người xưa và khắc phục nhược điểm của phương pháp cổ truyền.

Bước tiến mới

Thay vì chờ đợi vi sinh vật, nấm men tự sinh ra mà không biết chính xác nó là gì, người nông dân có thể chủ động.
Đó là cách nhân nuôi những vi sinh vật có lợi mà mình vẫn sử dụng cho thực phẩm như sữa chua, men rượu để tăng tốc quá trình phân giải hữu cơ. Qua kiểm định bằng khoa học (xét nghiệm) và ứng dụng trên người, sau đó sẽ áp dụng cho vật nuôi và cây trồng.
Điều cần lưu ý là các tỉ lệ, ví dụ như độ PH.
Thực tế, khi hòa loãng phân bón, đồ uống lên men với nước chính là cách xử lý PH một cách đơn giản nhất, rẻ tiền nhất, dễ nhớ nhất.
Việt Nam nằm trong vùng khí hậu nhiệt đới, nếu không biết tận dụng, khai thác nguồn tài nguyên vô hạn từ lợi khuẩn, nấm men thì thật lãng phí.
Bởi trong thực tế, các sản phẩm ngoại nhập bao gồm các chủng lợi khuẩn và nấm men đã bày bán trên khắp các đại lý vật tư nông nghiệp từ nhiều năm nay. Với những chủng khuẩn, nấm có lợi mà nông dân đã dần quen thuộc như Lactobacillus các chủng: casei, subtilis, thuringhensis…, Bacterium, nấm xanh, nấm trắng metazium, nấm đối kháng trichoderma. Các sản phẩm này được ứng dụng rộng rãi trong việc xử lý chuồng trại, men tiêu hóa vật nuôi, xử lý nước.
Người nông dân có thói quen dùng và không tìm hiểu, luôn hỏi công thức. Nhưng thực tế, chỉ cần cầm bất cứ sản phẩm sinh học nào là có thể đọc trên bao bì những từ khóa đó.
Vậy có cách nào nông dân tự nhân nuôi những sản phẩm đó một cách rẻ nhất không?
Câu trả lời là có.
Hoặc tự bắt chúng trong không khí với môi trường hấp dẫn, đủ điều kiện ẩm độ, dinh dưỡng, nhiệt độ…
Hoặc nhân nuôi từ các nguồn đã phân lập sẵn như sữa chua, men tiêu hóa cho người, men tiêu hóa vật nuôi, và vi sinh dành cho trồng trọt.

Bảo quản, Chế biến cổ truyền với Lý luận từ góc nhìn khoa học hiện đại.
Người Việt đã có những kinh nghiệm rất đồ sộ trong vấn đề bảo quản, chế biến thực phẩm.
Thực tế quá trình này là CHỐNG LẠI SỰ PHÂN GIẢI của vi sinh vật (kể cả có lợi hay có hại) để giữ lại hương vị, dinh dưỡng của nông sản.

  • MUỐI (hiểu như muối dưa): ức chế hại khuẩn, chờ đợi lợi khuẩn.
  • PHƠI, SẤY: rút thủy phần, hạn chế độ ẩm để vi sinh vật bất hoạt.
  • LÊN MEN: chủ động dùng vi sinh vật có lợi để ức chế hại khuẩn.
  • NHIỆT: đưa vi sinh vật về trạng thái bất hoạt.
  • CÁCH LY: đóng chai, lọ để ngăn chặn vi sinh vật xâm nhập.
  • DUNG MÔI ỨC CHẾ: ví dụ như ngâm rượu hoặc ướp muối mặn để bất hoạt vi sinh vật.
    Nền tảng của tri thức cổ truyền rất lớn, nhưng thiếu phương pháp luận tổng quan và truyền thông.
    Do đó, những cách làm nói trên trở thành kinh nghiệm và bí quyết.
    Trong khi đó, việc giảng dạy những vấn đề này một cách chính tắc thì lại quá hàn lâm, đặc biệt là quá phức tạp khi thực hành với phòng thí nghiệm.
    Thật may, dưa cà tương mắm muối men vẫn tồn tại trong cuộc sống thường nhật, chưa đến mức đưa mẻ dưa muối hay lọ tương vào phòng thí nghiệm và phân tích rồi mới được trả về với dân gian.

May mắn cho người Việt

  • A. Những thực tế chế biến thực phẩm bằng vi sinh vật theo cách cổ truyền vẫn đang hiện diện trong cuộc sống.
  • B. Những kinh nghiệm truyền đời về chế biến dù mai một nhưng vẫn được lưu giữ và truyền thừa.
  • C. Các quốc gia có nền khoa học thực nghiệm vững chãi đang đưa Kim Chi, Mi Sô, Tamarin, Sữa chua, Men tiêu hóa, Phân vi sinh… vào Việt Nam.
  • D. Chính phủ đang ủng hộ nông nghiệp hữu cơ.
  • Một bên là men Việt, men Nội, vi sinh Nội.
  • Một bên là hàng ngoại nhập, công nghệ cao.
  • Nông dân nghèo sẽ lựa chọn ra sao?
  • Câu trả lời này có lẽ sẽ được chứng minh trong 10 năm tới.
  • Còn tôi, tác giả bài viết này thì cảm thấy may mắn bởi được trở thành nhân chứng cho một thời đại thay đổi.
  • Đồng thời cũng lựa chọn Nông nghiệp Công nghệ Thấp cho mình và chia sẻ những gì đã tích lũy tới những người cần.
  • Tôi tin, ngày nào đó dưa cà muối mắm tương men của người Việt sẽ đi khắp toàn cầu với vị thế ngẩng cao đầu. Bởi dù môi trường có bị tàn phá thế nào đi nữa, vi sinh vật, nấm men Việt vẫn tồn tại khắp nơi trên dải đất chữ S và hai chấm như một chân lý.
Ảnh: Họp mặt các thành viên phía Bắc lần 1 của Liên Minh.

Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 17/07/2020

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0,0