Lập Chiến Lược Cho Đầu Tư Và Sản Xuất Nông Nghiệp Hữu Cơ

Thân gửi các bạn chủ trang trại, các bạn có ý định khởi nghiệp với nông nghiệp hữu cơ của Liên Minh

Trước hết, tôi khẳng định với các bạn, sản xuất nông nghiệp hữu cơ hoàn toàn DỄ – RẺ – LỢI NHUẬN TỐT.
Và với kinh nghiệm và nghiên cứu của tôi và các đồng sự, tôi muốn gửi tới các bạn một số lời khuyên về startup nông nghiệp hữu cơ (kèm giải pháp sơ bộ)

Thận trọng lựa chọn điểm đặt vùng sản xuất, trong mối liên kết với đầu ra

Nếu bạn muốn tập sự nông nghiệp hữu cơ, thì hãy tận dụng những khu đất hiện có, nhưng nếu xác định đầu tư kinh tế, việc chọn khu đất vô cùng quan trọng.
Một số bạn nghĩ rằng, đất càng xa thì càng rộng và rẻ!
Nhưng ngay lập tức, bạn phải đối mặt với hai vấn đề:

  • Chứng minh hữu cơ với cộng đồng tiêu dùng bạn hướng tới sẽ khó khăn, bởi niềm tin của cộng đồng sẽ càng lớn nếu các nhóm tiêu dùng dễ dàng tham quan trang trại của các bạn. Cũng đồng nghĩa với việc hạn chế khai thác các giá trị gia tăng như du lịch, trải nghiệm và cơ hội để phát triển các sản phẩm giá trị gia tăng, thay vì đồ tươi sống.
  • Logistic sẽ nâng cao giá thành sản phẩm, khiến người sản xuất và người tiêu dùng bị xa nhau về vấn đề giá và thói quen tiêu dùng.
    Tôi từng từ bỏ một trang trại cách Hà Nội 100km, để trở về phát triển các trang trại vành đai ngoại thành, cụ thể là Chương Mỹ – cấp cho Hà Đông, Long Biên – cấp cho nội thành phía Bắc và Đan Phượng, cấp cho khu vực Cầu Giấy, Từ Liêm…
    Giải pháp là thuê đất tại các khu vực này, bạn cần thông tin và quan hệ, đất còn rất rộng.

Xác định nhóm khách hàng, đặc biệt chú trọng khu vực địa lý.

Trang trại đầu tay của tôi phục vụ 30 hộ gia đình bạn bè, ngoại giao. Mỗi ngày, chúng tôi tốn khoảng 900 nghìn tiền giao vận, dù là 1kg rau. Lý do là các bạn bè của tôi nằm rải rác khắp Hà Nội. Đây cũng chính là vướng mắc của các trang trại, khi ít đơn hàng quá thì không muốn gửi, và đứt đoạn các quan hệ tiêu dùng.
Giải pháp của tôi là các bạn nên hướng đến các nhóm tiêu dùng (đừng coi họ là khách hàng, họ là nhóm tiêu dùng thường xuyên, và trách nhiệm của bạn là phục vụ Ngon – Bổ – Rẻ – Minh bạch)
Giải pháp sẽ là các cộng đồng chung cư, các cơ quan có đông người, có thể hướng đến nhóm khách hàng thu nhập tầm trung và có nhận thức về thực phẩm hữu cơ như Ngân hàng, cơ quan nhà nước, khu văn phòng thương mại… Các mối liên hệ, các bạn có thể tìm kiếm thông qua mạng xã hội.

“Trồng cây gì? Nuôi con gì?” – Hãy trả lời câu hỏi của cụ Nông Đức Mạnh!

Bằng cách – quy hoạch trang trại, nông trại của bạn một cách thông minh, theo cả không gian và thời gian. Tôi may mắn được UBND tỉnh Vĩnh Phúc tặng cuốn sách tổng hợp các bài viết, bài nói của Cố bí thư Vĩnh Phú Kim Ngọc. Còn nguyên giá trị về tầm quy hoạch, chiến lược.
Với một trang trại nhỏ, nếu bạn cứ trồng tràn rau theo mùa, rồi cố gắng bán giá cao một số lượng nhỏ, số còn lại mang ra làm phân bón thì bạn sẽ thất bại hoàn toàn.
Tại sao bạn không biến vườn rau của bạn thành CÔNG VIÊN RAU, trồng theo đồ hình?
Tại sao bạn không biến khu chăn nuôi gà, lợn của bạn thành SỞ THÚ với những giống lạ, trang điểm cho dòng sản phẩm chính.
Tại sao bạn không biến trang trại cây ăn quả của bạn thành KHU SINH THÁI đa dạng chủng loại, và vòng quay ngắn hạn với các tầng thực vật tán thấp như nấm, dược liệu, cây có củ… Và là tiền đề của các nhà máy dược liệu, hoa quả sấy, nước ép… công suất nhỏ
Tôi thường tư vấn cho các trang trại có các tổ hợp đáp ứng với nhóm khách hàng định hướng trước. Một số tổ hợp tôi thường dùng là:

  • Gà – Giun quế – Chùm ngây – Ngô – Đậu tương – Vetiver hoặc các loại cỏ chăn nuôi (tận thu toàn bộ)
  • Gà – Lợn – Ngô – Giun quế – Chùm ngây – Ngô – Sắn (hoặc khoai) – Cỏ – Hoa hướng dương – Các cây có thể làm mỹ phẩm handmade
  • Hoa hồng – Giun – Bèo tây – Rau gia vị – Hoa hướng dương và các loại hoa quả ngoại: đu đủ, cà chua đen, cà chua Siria, đậu Turkey…
    Và tôi biết chính xác loại nào trồng trước, loại nào trồng sau tương ứng với việc PHÁT TRIỂN CỘNG ĐỒNG TIÊU DÙNG của trang trại.
    Giải pháp chuyên sâu sẽ lần lượt là:
  • Cải tạo đất, thu hoạch tích trữ nhóm cây có hạt, thu toàn bộ thân làm phân bón hoặc thức ăn chăn nuôi dạng ủ
  • Trồng theo quy hoạch các cây dài ngày, thu thường xuyên như chùm ngây, hoa hồng…
  • Thả vật nuôi đúng thời điểm chủ động được nguồn thức ăn (nếu bạn còn NHẬP thức ăn từ bên ngoài, sớm muộn bạn sẽ khó khăn vì vấn đề niềm tin, bạn KHÔNG chứng minh được tận cùng của sản phẩm, và giá sẽ không chủ động mức thấp)
  • Trồng cây ngắn ngày, giá trị cao trong những thời điểm chờ đợi
  • Và một điều lưu ý, hãy có một loại nông sản nào đó để CHO THOẢI MÁI, tôi làm được, bạn sẽ làm được. Chi phí marketing của bạn hiệu quả nhất sẽ nằm ở đây!
  • Và nếu muốn hướng đến sự giàu có, hãy nghĩ về việc tạo ra các sản phẩm giá trị gia tăng…

Đừng quá sính ngoại, hãy Bản địa hóa

Tôi đi các nước, và nhận được rất nhiều công nghệ chuyển giao. Thay vì tôi áp dụng nguyên bản một cách rất tốn kém, tôi cùng với các nhà nghiên cứu phát triển theo hướng bản địa hóa.
Những thứ tưởng chừng là phế thải như dây điện hỏng, bê tông mẫu, bèo tây, rơm…, lại trở thành vật liệu, nguyên liệu vô hạn.
Chúng ta có quá nhiều ưu đãi về thiên nhiên như nước, thực vật, khí hậu…hãy khai thác và tận dụng.
(Hàng đêm, tôi đọc Từ điển thực vật, Công nghệ chế biến, bảo quản; Lý luận sinh học; Nguyên lý sản xuất mỹ phẩm, dược phẩm hữu cơ… với sự liên kết những gì đang có tại Việt Nam. Mệt quá thì “rắc thính” để lấy năng lượng, thì cũng là “rắc thính bản địa”, tạo nguồn năng lượng tái sinh tuần hoàn, hehe)
Một ngày nào đó, các thày, các bạn bè quốc tế của tôi sẽ nghiêng mình trước một nền nông nghiệp bản địa Việt Nam sáng tạo. Tôi kì vọng thấy điều đó trong kiếp sống này, và phấn đấu.

Tạo ra nhóm khách hàng đầu tiên, gắn kết với trang trại

Với tôi, họ là bạn bè, thậm chí là đồng sở hữu trang trại.
Tài liệu đầu tiên tôi viết cho nông nghiệp hữu cơ, là bản dự án tóm tắt “Cùng nhau nuôi lợn thả gà”, với lý tưởng xây dựng một xã hội UTOPI đẹp như mơ, ai cũng được đóng góp và chia sẻ. Đó là bạn bè tôi, không phải những con “mòng béo” để thu lợi nhuận. Có thất bại và thành công, phải trả giá bằng sự mất niềm tin, nhưng vì sự trung thực và chân thành, tôi đã làm lại được.
Thất bại của tôi nằm ở vấn đề quản lý, nhân sự. Thành công là rút kinh nghiệm và dễ dàng nhân bản hàng loạt trang trại.
Bạn hãy coi mình là người có trách nhiệm chăm sóc cộng đồng tiêu dùng, thay vì bán hàng cho họ, mọi chuyện sẽ thật tốt đẹp.
Nhóm khách hàng đầu tiên là những người ủng hộ bạn, hãy chăm sóc họ thật tốt. Nhưng cần chú ý, hãy chọn những người tôn trọng bạn và sản phẩm của bạn.

Liên tục giảm thiểu giá thành sản xuất

Có rất nhiều cách có thể giảm thiểu chi phí, thậm chí đến 50 – 70% giá thành sản xuất đầu vào.
Các vấn đề sẽ nằm ở nhân công, phân bón trồng trọt, thức ăn chăn nuôi… Tự động hóa và tận thu phế phẩm nông sản trên cơ sở thành thạo hơn 30 nhóm công nghệ, kỹ thuật sẽ biến bạn thành “siêu nhân”.
Hãy hình dung:

  • 03 nhân sự cho 2ha sản xuất
  • Sử dụng thực vật với đặc tính của từng loài để tự tái tạo vòng quay sinh học
  • Khai thác hàng triệu “lao động không lương” với giun quế, bọ hung, ong, cóc, kiến…
  • Phân bón gần như không mất tiền mua
  • Thức ăn chăn nuôi không phải nhập
    Hãy luôn nghĩ đến điều đó và tìm hiểu. Tôi có thể giúp bạn toàn bộ kinh nghiệm và kiến thức của mình, nhưng nếu bạn không biết nó là gì thì điều đó sẽ vô nghĩa.
    Một lần nữa, tôi khẳng định, nông nghiệp hữu cơ rất RẺ trong khâu sản xuất. Tuy nhiên, tôi sẽ không công bố rộng rãi những Knowhow đến cộng đồng tiêu dùng trong vòng 2 năm tới, để các bạn – những người dũng cảm trong câu chuyện hữu cơ, còn có thời gian để chuyển đổi. Những điều này, tôi sẽ chia sẻ với các nhà sản xuất trung thực và xứng đáng, khi có dịp.
  1. … (Bài viết đã dài, tôi để lại cho các bạn những suy nghĩ. Và cũng rất mong muốn nhận được các phản hồi, trao đổi để cùng rút kinh nghiệm)

Ps. Có 1 số thông tin trong bài đã lỗi thời xong tôi vẫn để nguyên để các bạn so sánh với mô hình của các bạn sau khi có IMO, MeVi, SKE…

Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 05/12/2017

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0,0