Chuyện Ông Huyện

Quan huyện

Gia tộc tôi thời phong kiến cũng nhiều đời khoa bảng, có người làm tới Nhị phẩm. Lúc còn nhỏ, tôi theo chân bà ngoại ra vào nơi công đường, nên từ nhỏ đã có thói quen…không sợ quan. Sau này ra đời, cũng có điều kiện giao du nên lại càng thấy quan huyện cũng không quá xa lạ như trong phim ảnh.
Tôi hay trêu mấy người bạn làm quan là cái chức Tòng thất phẩm tuy oai nhưng lại phải đội mũ ô sa rất nặng, không sướng như tôi. Họ đa số cũng đồng tình. Hầu hết, những người tôi thân tình đều có bầu nhiệt huyết vì dân. Còn giao lưu mà quan cách quá là tôi cứ xa dần…
Quan huyện là người lãnh đạo một huyện, ngồi công đường, đội mũ ô sa, tay cầm kinh đường mộc. Bên cạnh có sư gia, phía dưới là hai hàng bổ khoái, uy binh cầm thủy hỏa côn, mỗi lần thăng đường là hô Uy Vũ. Đó là phim Trung Quốc.
Còn mấy ông huyện tôi thân tình thì vô cùng giản dị, khoáng đạt, tử tế. Khi gần họ, tôi mới ân hận vì trước đây đánh đồng họ với tham quan mà nhìn họ bằng ánh mắt coi thường…

Ông huyện nhất

Bài viết này không phải để vinh danh, tán tụng bạn bè, anh em của tôi, mà chỉ muốn chia sẻ rằng có rất nhiều người làm quan tử tế. Do đó, tôi đổi tên.
Tôi quen ông Huyện Nhất qua một người bạn. Khi biết huyện anh ấy trị nhậm đang quyết liệt thúc đẩy nông thôn mới và định hướng du lịch.
Tôi bèn viết một bản kế hoạch ngắn, gửi tới anh.
Lập tức, anh mời tôi bay vào và tiếp đón trọng thể, thân tình. Cảm ân tình của anh, tôi dần thành người của huyện.
Anh giới thiệu với tôi các nhân sự chuyên trách như Trưởng phòng nông nghiệp, phòng tài nguyên, phòng văn hóa… để những ý tưởng của tôi có thể triển khai thuận lợi nhất. Tôi cơ bản đã thực hiện điều anh và người dân mong muốn trong giai đoạn đầu.
Là một ông huyện, cứ đến giờ nghỉ trưa hoặc cuối giờ chiều là anh lại lấy xe máy chạy vào các vườn. Nông dân cũng không biết đó là quan huyện. Cấp dưới báo cáo lên mà sai với thực tế là anh nắm được.
Tôi nghe anh dùng từ “đục”, “cạo” và thấy thuộc cấp của anh vừa tin, vừa nể, vừa sợ. Cả một bộ máy công quyền cứ thế vì dân mà chạy.
Anh nghe tin tôi vào, lập tức đến khách sạn lúc sáng sớm. Anh xòe bàn tay, chai sần to bằng con ốc. Anh bảo không làm rẫy, cuốc đất thì làm sao sần thế này được.
Anh xin làm đường cho dân trước khi chuyển công tác.
Anh bám sát các chương trình phụ nữ, rác thải, môi trường, nông nghiệp sát đến mức như người trong cuộc.
Mẹ tôi mất, anh đi 65 cây số ra sân bay Tân Sơn Nhất, bay Nội Bài rồi đi tiếp 50 cây số đến viếng tang. Xong việc về luôn.
Tôi nói:

  • Nếu nhà anh có việc, em không thể làm như anh.
    Anh trả lời:
  • Tôi ra đây vì dân huyện tôi.
    Ân tình đó, làm sao tôi không coi huyện đó là nhà mình được?

Ông huyện hai

Ông huyện Hai hơn tôi 2 tuổi, người cao lớn, bô trai, tính tình khảng khái hào hiệp, nhậu giỏi, quảng giao.
Anh có lẽ là người ngửi phân, rác nhiều nhất huyện.
Sau tâm sự, ban đầu anh chưa tin tôi, rồi qua dân, anh đồng hành cùng tôi từ lúc nào.
Cả mùa cúm Vũ Hán, anh tranh thủ đến từng xã, triệu tập bí thư, chủ tịch xã ra ủy ban làm vi sinh, rồi bắt buộc thử nghiệm. Ai ngại ngần, anh gạt sang một bên.
Chuồng heo, cống thối, bãi rác, nhà vệ sinh trường học… anh đều tự thân xử lý. Sau đó, anh yêu cầu các phòng ban, ủy ban xã thay anh vào từng nhà để đào tạo.
Ngày anh nhậm chức là ngày đi chôn 74.000 heo.
Anh cùng tôi vào rừng thăm dân, lặng lẽ như một công chức vô danh để lắng nghe, sau đó hành động quyết liệt.
Đến mức độ đi tập thể dục buổi sáng, thấy dân khơi cống, lại chạy về lấy vi sinh ra cho và dạy.
Tôi ngồi ăn tối cùng anh và bạn học, nghe bạn anh phàn nàn là trận nhậu nào cũng mang phân ra làm chủ đề.
Những gì anh biết, không tiếc chia sẻ.
Anh hoạt động cả ở góc cá nhân và vị trí công tác. Anh luôn trao đổi với tôi những việc cần làm ngay qua điện thoại hàng tuần.
Với tôi, anh trở thành người anh đáng nể, người đồng đội đáng trọng.

Tiểu kết

Chuyện rằng, ông huyện về quê…
Cảm khái không biết nói thêm điều gì.
Tôi may mắn có được những mối quan hệ như vậy. Và trên facebook cá nhân, tôi từng viết:
“Ở đâu có thanh quan, ở đó có lương dân”
Họ hữu danh hay vô danh không quan trọng.
Quan trọng, họ là những người tử tế.

Nguồn: Liên Minh Nông Nghiệp Tử Tế
Tác giả: Hoàng Công
Ngày đăng: 22/07/2020

Đã thêm item vào giỏ hàng.
0 item - 0,0